Dù nhiều người cho rằng mang theo đồ ăn khi đi du lịch sẽ khiến chuyến đi trở nên mệt mỏi và không thư giãn, nhưng một số khác lại đánh giá cao và coi đó là một trải nghiệm thú vị.
Biến xe du lịch thành “nhà bếp di động” với xôi, bánh mỳ, giò, chả
Trong các kỳ nghỉ hè hay nghỉ lễ dài ngày, nhiều gia đình thường tổ chức những chuyến du lịch để nghỉ ngơi, thư giãn và gắn kết tình cảm gia đình.
Không chỉ mang theo hành lý với quần áo và tư trang, họ còn mang theo các nồi thịt kho, chục cân giò hay cả thùng xôi lớn… Nhiều chuyến xe vì vậy đã trở thành “nhà bếp di động” với đủ loại đồ ăn, trái cây và nước uống.
Mới đây, một clip kiến thức cuộc sống ghi lại hình ảnh một gia đình du lịch mang theo rất nhiều đồ ăn từ nhà và chia nhau thưởng thức đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Bữa ăn đơn giản chỉ có cơm trắng, dưa leo và một món mặn.
Nhiều gia đình thường có thói quen mang theo đồ ăn khi đi du lịch cùng nhau
Trong một video khác, một gia đình thuê xe 45 chỗ chuẩn bị đủ các món từ xôi, ngô luộc, bánh mỳ, trứng, thịt kho, trứng luộc và chia nhau ăn ngay trên xe… Vì có quá nhiều đồ ăn được đựng trong các thùng nhựa lớn, các thành viên đã tận dụng lối đi của xe để đặt đồ.
Bên dưới phần bình luận của những video này, cư dân mạng đã chia làm 2 luồng ý kiến.
Một số người cho rằng, du lịch kiểu này vừa vui, vừa tiết kiệm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không lo bị “chặt chém” và đặc biệt là gắn kết tình cảm gia đình.
Chị Đỗ Thúy (quê ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ: “Nếu cả đại gia đình đi du lịch cùng nhau thì sẽ có cả người già lẫn trẻ nhỏ, mỗi người mỗi khẩu vị.
Việc chuẩn bị được một số món ăn quen thuộc trong những ngày đầu vừa không bị lạ bụng, đảm bảo sức khỏe cho mọi người lại vừa tiết kiệm.
Có lần, mẹ tôi đi du lịch nhưng lại bị rối loạn tiêu hóa do không hợp thức ăn nên từ sau chuyến đó, mỗi lần đi chơi, mẹ đều mang theo một hộp ruốc to”.
Chị Đỗ Ngọc Mai (ở Ba Vì, Hà Nội) cũng cho rằng, việc mang theo đồ ăn không có gì là vất vả nếu biết sắp xếp và có sự thỏa thuận với lái xe.
“Nhiều tài xế thường không thích cho khách mang đồ ăn lên xe và ăn uống ngay trên xe bởi dễ gây ám mùi. Tài xế thường được mọi người gọi vui là “cán bộ đường lối”, tốt nhất nên có thỏa thuận trước với lái xe để đôi bên cảm thấy thoải mái, không khiến tài xế cảm thấy khó chịu vì mang theo đồ ăn và ăn ngay trên xe”, chị Mai nói.
Theo kinh nghiệm của gia đình chị Mai, chị thường bồi dưỡng thêm cho tài xế một khoản vừa là để cảm ơn, vừa coi như phí vệ sinh xe sau chuyến đi.
Ở chiều ngược lại, một số ý kiến lại cho rằng, khi đi du lịch, mỗi người nên dành thời gian nghỉ ngơi, thưởng thức đặc sản địa phương thay vì khệ nệ mang theo đồ ăn thức uống. Đi du lịch mà còn vất vả cơm đùm cơm nắm thì chẳng khác nào “hành xác”.
Anh Đỗ Văn An (27 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương) chia sẻ, gia đình anh thường tổ chức đi du lịch biển vào dịp hè. Nhà anh An đã đi khắp các bãi biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… Mỗi chuyến đi như thế, hơn 20 thành viên của gia đình thường thuê chuyến xe 29 chỗ để di chuyển.
Theo thói quen, mẹ và các dì thường chia nhau mỗi người chuẩn bị một món ăn. Người nấu xôi, người mua giò, người làm ruốc, người đặt bánh mỳ…
Chuyến nào cả nhà cũng dậy từ 3-4h sáng để chuẩn bị nên anh An thấy ai cũng vất vả. Nhiều khi đồ đem theo nhiều nhưng di chuyển xa ai cũng mệt nên ăn không hết.
“Một vài năm gần đây, tôi khuyên mọi người nên tự “giải phóng” sức lao động, đi du lịch là để nghỉ ngơi, ăn những món ngon, đặc sản vùng miền”, anh An nói.
Người dùng mạng có tài khoản Vũ Dũng thì bình luận: “Đi chơi chứ không phải đi hành xác. Dịch vụ nhiều nơi phát triển, giá cả cũng phải chăng nên mỗi người không nên tự làm khổ mình. Đi
du lịch để vui vẻ, trải nghiệm nên cứ ăn món ngon vùng miền, tội gì cơm nắm muối vừng”.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Tâm lý Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, mỗi chuyến du lịch, kỳ nghỉ là dịp để gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình nên việc cả nhà cùng nhau chuẩn bị đồ ăn là một trải nghiệm thú vị.
Những món ăn quen thuộc, dễ làm là một phần trong hành trình của các gia đình. Việc cùng nhau ăn uống, trò chuyện tạo nên bầu không khí đầm ấm, vui vẻ và nhiều kỷ niệm.
Theo TS. Hương, bên cạnh những chuyến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, một số gia đình có cách đi du lịch “truyền thống” kiểu này không có gì đáng chê trách. Miễn là mỗi gia đình cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với lựa chọn của mình.
Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu tâm lý cũng đánh giá cao vai trò của các hoạt động sinh hoạt gia đình với sức khỏe tinh thần của mỗi người.
Cùng tham khảo nhìn thấy đi cày ruộng có điềm báo gì tại đây