Cô giáo bị phụ huynh làm nhục tại trường?

Trong khi những lùm xùm về tuyển dụng, cắt xén lương giáo viên chưa lắng thì tại Đắk Lắk, một cô giáo làm đơn tố cáo bị phụ huynh đánh, làm nhục trước mặt học sinh

Theo đơn tố cáo của cô Trần Phương Anh (giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng; thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Lắk), khoảng 7 giờ 30 phút ngày 12-3, cô đang ngồi trong phòng thì thấy cô Nguyễn Thị Nhẫm (giáo viên lớp mầm) và chị Vũ Thị Ánh Tuyết (phụ huynh lớp cô Nhẫm) đang giằng co.

q

Ảnh internet

Lúc này, cô Trần Thị Hằng (một giáo viên trong trường) đã kéo chị Tuyết ra thì bị chị Tuyết dùng tay đánh nhưng cô Hằng đỡ được. Thấy vậy, cô Phương Anh chạy ra cầm tay chị Tuyết, chị này đánh vào mang tai cô Anh và tiếp tục đánh cái thứ 2. Thấy vậy, một vài phụ huynh vào kéo chị Tuyết ra ngoài.

Chị Tuyết chỉ tay vào mặt cô Anh quát: “Mày là cái gì của chồng tao, sao mày can thiệp vào chuyện của gia đình tao?”. Khi cô hiệu trưởng Phạm Thị Sang đến giải quyết, chị Tuyết tiếp tục chửi bới cô hiệu trưởng rồi xúc phạm cô Nhẫm, cho rằng đóng tiền để nuôi giáo viên nên giáo viên phải xem lại tư cách. Sự việc chỉ dừng lại khi nhà trường mời công an tới.

Đơn tố cáo của cô giáo Phương Anh cho rằng chị Tuyết đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân cô và giáo viên của trường.

Còn theo cô Nhẫm, sáng 8-3, chồng chị Tuyết đưa con đến trường và nói không cho bất kỳ ai đón ngoài bố cháu. Khoảng 14 giờ cùng ngày, chị Tuyết lên trường đón con. Cô Nhẫm thừa nhận lúc đầu có sai khi không cho chị Tuyết đón con nhưng sau đó cô đã gọi cho chồng chị Tuyết rồi để chị Tuyết bế cháu đi.

“Sáng 12-3, đến giờ thể dục, chị Tuyết đưa con tới rồi gặp tôi và nói “tao sẽ xử lý mày” rồi tát vào mặt tôi. Tôi yêu cầu xin lỗi nhưng chị Tuyết không chịu” – cô Nhẫm kể.

Liên quan đến vụ việc, chồng chị Tuyết nói anh đang làm đơn ly hôn nên yêu cầu cô giáo không cho vợ đón con.

Trong khi đó, chị Vũ Thị Ánh Tuyết phủ nhận việc đánh các cô giáo và cho rằng các cô giáo có thái độ không tôn trọng phụ huynh. “Tôi nói nhẹ nhàng nhưng cô Nhẫm xưng “mày, tao” khiến tôi bức xúc dẫn đến 2 bên nói qua nói lại, xích mích. Không có việc tôi tát 2 cô giáo” – chị Tuyết nói.

Cũng theo chị Tuyết, sau khi xảy ra vụ việc, có 1 người đã nhắn và gửi hình ảnh một con dao đe dọa nên chị đã trình báo công an thị trấn, công an huyện cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Mil.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hùng, Phó trưởng Công an huyện Đắk Mil, cho biết sau khi xảy ra vụ việc, Công an thị trấn Đắk Mil đã vào cuộc nhưng sự việc chưa rõ ràng. Do đó, đã yêu cầu công an thị trấn chuyển hồ sơ lên để xác minh, hiện chưa có kết quả.

Con hiệu trưởng không đi dạy vẫn nhận lương

Liên quan đến chuyện dôi dư 600 giáo viên tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, ngoài việc bị tố ăn tiền chạy việc, bớt xén lương, mới đây, các giáo viên hợp đồng còn phản ánh ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn), trả lương cho con là Huỳnh Trọng Quý dù ông này đã nghỉ dạy.

Cụ thể, ông Quý đã có đơn xin nghỉ dạy tạm thời từ tháng 11-2017 và hiện vẫn chưa đi làm lại nhưng từ tháng 11-2017 đến tháng 2-2018, ông Quý vẫn có tên trong bảng lương của nhà trường, có chữ ký của hiệu trưởng và kế toán trường.

Ngoài ra, tại danh sách biên chế, quỹ tiền lương năm 2018 của Trường THCS Ngô Mây do Phòng Nội vụ Krông Pắk ký duyệt, tổng số tiền lương trong năm 2018 của ông Quý là 32,67 triệu đồng.

Ông Cao Văn Tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Krông Pắk, giải thích sau khi các đơn vị gửi danh sách chi trả lương của nhân viên lên, kho bạc sẽ lập danh sách và gửi qua Phòng Nội vụ huyện thẩm định, phê duyệt. Sau khi được duyệt, kho bạc chuyển tiền lương qua ngân hàng và ngân hàng sẽ thanh toán cho các đơn vị. Như vậy, việc giáo viên nghỉ dạy hay bị chấm dứt hợp đồng thì nhà trường phải báo cáo, gạch tên khỏi danh sách. Nếu không gạch tên, không thông báo thì kho bạc cũng không biết và vẫn chi trả lương

Bài liên quan